AI TRONG SỐ CHÚNG TA CŨNG CÓ THỂ DỄ DÀNG NHẬN RA NHỮNG HẠT CÀ PHÊ ĐÃ ĐƯỢC RANG MÀU NÂU, NHƯNG KHÔNG PHẢI AI CŨNG NHẬN RA CÂY CÀ PHÊ NHÌN NHƯ THẾ NÀO!
Những cây cà phê thường được cắt tỉa để bảo tồn năng lượng đồng thời cũng là để thuận tiện cho việc thu hoạch, nhưng thực tế chúng có thể cao tới 9m. Cây được phủ lá xanh mọc đối xứng theo cặp, quả cà phê mọc dọc theo cành cây. Đặc tính của cây cà phê là phát triển tuần tự liên tục theo chu kỳ vì vậy sẽ không bất ngờ nếu ta thấy cả hoa, quả xanh, và quả chín xuất hiện trên cùng một cành cây.
Mỗi quả cà phê sẽ mất gần một năm để chín kể từ khi ra hoa, một cây cà phê sẽ mất gần 5 năm để đạt được sản lượng tối đa. Vì mỗi cây cà phê có thể sống đến 100 năm nên chúng thường có năm suất cao nhất trong độ tuổi từ 7 năm đến 20 năm. Nếu được chăm sóc thích hợp thì tùy theo giống cây mà sản lượng cao có thể được duy trì trong nhiều năm hơn nữa. Một cây cà phê trung bình cho sản lượng khoảng hơn 4,5kg quả chín mỗi năm.
Tất cả những cây cà phê được trồng phục vụ mục đích thương mại đều nằm trong một khu vực trên thế giới có tên gọi Vành đai cà phê, do đặc thù cây cà phê phát triển tốt nhất ở những nơi có thời tiết mát mẻ quanh năm, lượng mưa dồi dào và nắng dịu.
PHÂN LOẠI THEO THỰC VẬT HỌC
Cà phê có nguồn gốc từ một giống cây có tên gọi là Coffea, giống này có tới hơn 500 chi và 6.000 loài cây khác nhau. Các chuyên gia ước tính có khoảng từ 25 đến 100 loài trong số đó là cây cà phê.
Chi này được mô tả lần đầu tiên vào thế kỷ 18 bởi Nhà thực vật học người Thụy Điển, Carolus Linneaus, người cũng mô tả loài Coffea Arabica trong cuốn sách Species Plantarum của ông vào năm 1753. Các nhà thực vật học thường không đồng tình với cách phân loại chính xác vì cây cà phê có thể có rất nhiều loại. Chúng có thể là những bụi cây nhỏ cho tới những cây cao, có những chiếc lá kích thước từ 1 đến 16 inch (2,54cm – 40,64cm) và màu sắc từ tím, vàng, đến màu xanh đậm (màu xanh đậm là màu chiếm đa số).
Trong ngành cà phê thương mại, có hai loại cà phê quan trọng nhất đó là Arabica và Robusta.
CÀ PHÊ ARABICA
Giống: Bourbon, Typica, Caturra, Mundo Novo, Tico, San Ramon, Jamaican Blue Mountain
Arabica có nguồn gốc từ những cây cà phê ban đầu được phát hiện ở Ethiopia. Những cây này tạo ra một loại cà phê thơm ngon, dịu nhẹ, chiếm khoảng 70% sản lượng cà phê của thế giới. Những hạt cà phê này phẳng hơn và dài hơn Robusta và có hàm lượng caffeine thấp hơn.
Trên thị trường thế giới, cà phê Arabica có giá bán cao nhất. Những hạt Ariabica chất lượng cao hơn thường là loại được trồng ở những nơi có độ cao từ 2.000 đến 6.000 feet (610m đến 1830m) so với mực nước biển, mặc dù độ cao tối ưu sẽ khác nhau phụ thuộc theo đường xích đạo.
Yếu tố quan trọng nhất đối với cây Arabica là nhiệt độ phải ở mức dịu mát, lý tưởng nhất là từ 59 - 75 độ F (15 – 23,9 độ C), với lượng mưa khoảng 60 inch (152 cm) mỗi năm.
Để canh tác cây Arabica rất tốn kém vì địa hình lý tưởng có xu hướng dốc và khó tiếp cận. Ngoài ra, vì cây dễ nhiễm bệnh hơn loài Robusta, chúng cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn.
CÀ PHÊ ROBUSTA
Hầu hết các cây Robusta trên thế giới được trồng ở Trung và Tây Phi, một phần của Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Việt Nam, và ở Brazil. Việc kinh doanh cà phê Robusta đang ngày càng gia tăng mặc dù nó chỉ chiếm khoảng 30% thị trường thế giới.
Robusta chủ yếu được sử dụng trong pha trộn và sản xuất cà phê hòa tan. Hạt Robusta hơi tròn và nhỏ hơn hạt Arabica.
Cây Robusta khoẻ hơn, có khả năng kháng bệnh và ký sinh trùng tốt hơn, giúp cho việc trồng trọt dễ dàng và chi phí thấp hơn. Nó cũng có lợi thế là có thể chịu được khí hậu nóng hơn, nhiệt độ lý tưởng cho Robusta là 75 đến 85 độ F (23,9 – 29,4 độ C). Ngoài ra nó còn có thể phát triển ở độ cao thấp hơn nhiều so với Arabica.
Robusta cần lượng mưa khoảng 60 inch (152 cm) một năm, và không thể chịu được sương giá. So với Arabica, hạt Robusta đem lại vị cà phê khác biệt và hàm lượng caffein nhiều hơn khoảng 50-60%.
CẤU TẠO CỦA QUẢ CÀ PHÊ
Cấu tạo quả cà phê gồm 7 phần cơ bản: Phần vỏ quả (7), Phần thịt quả (6), Lớp nhầy (5), Lớp vỏ hạt (4), Lớp vỏ lụa (3), Lớp vỏ nhân (2), và Nhân chính (1)
(7) Phần vỏ quả là lớp vỏ ngoài cùng của mỗi quả cà phê. Lớp vỏ quả này thay đổi màu sắc rõ ràng trong suốt quá trình sinh trưởng của quả cà phê, từ màu xanh khi còn non đến màu đỏ khi quả đã chín (Hoặc màu vàng với cà phê Yellow Bourbon hay màu cam với cà phê Orange Bourbon).
(6) Phần thịt quả của cà phê có thể ăn được và là thức ăn ưa thích của một số loài động vật khi như Sóc, Voi. Thịt quả có vị ngọt, chứa nhiều đường và chiếm từ 42-45% trọng lượng của quả cà phê chín.
(5) Lớp nhầy là thành phần quan trọng của một quả cà phê chín với nhiệm vụ bảo vệ hạt nhân khỏi côn trùng gây hại khi quả cà phê chưa được thu hoạch. Lớp nhầy này thường chiếm 20-23% trọng lượng của quả cà phê chín và thường được lên men để rửa bỏ trong quá trình chế biến ướt.
(4) Lớp vỏ hạt là lớp vỏ cứng bảo vệ hạt nhân khỏi côn trùng và một số tác nhân làm hư hại khác. Lớp vỏ cứng này sẽ được loại bỏ trước khi cà phê được đưa vào quá trình rang để tránh vị cháy khét của chúng. Vỏ hạt chiếm 6-8% trọng lượng của quả cà phê.
(3) Lớp vỏ lụa lớp vỏ nằm giữa vỏ hạt và nhân hạt. Vỏ lụa mỏng và có màu trắng bạc, chúng thường còn sót lại sau khi rang cà phê Arabica và là một trong những thành phần tạo hương cho cà phê Arabica rang.
(2) Lớp vỏ nhân là lớp nhân mỏng có tác dụng bảo vệ nhân chính. Lớp vỏ nhân này có hương vị đầy đủ của cà phê nhưng chứa rất ít hoặc không có Caffeine.
(1) Nhân chính, nơi chứa nhiều chất dinh dưỡng của hạt cà phê nhất và đồng thời cũng là nơi có hàm lượng Caffeine cao nhất.
Comments